Trần Trung Tín (1933 - 2008)

2/8/2013

Nguyên Hưng

Cả một thời gian dài, chẳng có mấy người thừa nhận Trần Trung Tín là một hoạ sĩ. 
Nhưng rồi, Trần Trung Tín đã là một hoạ sĩ nổi tiếng. Không chỉ nổi tiếng, ông còn là một hoạ sĩ tạo được nhiều ảnh hưởng. Nhiều, rất nhiều hoạ sĩ Việt Nam đã xem ông là một tấm gương “dám sống hết mình cho nghệ thuật”, một khích lệ cho hành động dấn thân. Và, cũng nhiều, rất nhiều hoạ sĩ, đã nợ nần ông một cách nhìn, một cách biểu hiện trong hội hoạ. Thậm chí, còn nợ ông đến cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất về hình hoạ, về màu sắc v.v… 
Họa sĩ Trần Trung Tín (1933 - 2008)
(Ảnh chụp năm 1969)

Trần Trung Tín chưa hề bước qua trường lớp Mỹ thuật. Tuy nhiên, đó không phải là điều quan trọng. Ông sáng tác bằng bản năng. Với ông, ban đầu, hội hoạ chỉ là một phương tiện. Phương tiện tỏ lộ những ưu tư triết lý, các cảm thức mang tính thơ ca. Nhưng độc đáo là Trần Trung Tín đã không sa vào lối minh hoạ giản đơn. Vẽ theo “cảm, nghĩ”, và bằng “thiên tư”, ông đã tạo ra một thế giới hình hiệu rất riêng cho mình. Một thế giới vừa mang đậm màu sắc duy lý vừa hết sức trữ tình. Hình người trong tranh Trần Trung Tín có ý nghĩa thuần tuý như khái niệm “người”. Nội dung tranh ông, được tạo thành bằng thế, bằng dáng nhân vật, và, sự liên hệ với những hình ảnh mang tính khái niệm khác. Xem tranh Trần Trung Tín, không thể không lưu ý đến tên tranh. Nhưng, nếu chỉ căn cứ vào đó mà diễn giải tranh ông, thì lại là điều “nguy hiểm”. Chính cách tạo hình như ngô nghê, như vụng dại lại chứa đựng những ý nghĩa biểu xúc khó tả. Nó mở ra nhiều liên tưởng như khi đối diện với tranh vẽ của trẻ con, của người nguyên thuỷ. Nó tác động trực tiếp. Tất nhiên, còn phải kể đến màu sắc của ông. Không chỉ đẹp. Nó còn là tiếng nói nhiều âm vang của cảm xúc, tình cảm. Bùi Xuân Phái đã từng phải nói: “Màu của Tín là màu trời cho” 


Do khó khăn của hoàn cảnh, thiếu thốn mọi bề, nhưng quan trọng hơn, do quan niệm, vẽ chỉ như một sự tự giải thoát, “đạt ý thì quên lời”, nên sáng tác, ông không quan tâm nhiều đến phương tiện thể hiện, và cả các “nguyên tắc vẽ đúng”. Nhiều người, căn cứ vào đó mà phủ định, hay tỏ ra nghi ngờ tư cách hoạ sĩ nơi ông. Tuy nhiên, có thể nói, đó là một sai lầm. Nếu đặt trong điểm nhìn Hậu Hiện đại (Post-modern), xem trọng sự thông đạt ý tượng, bất kể phương tiện, thì sứ mệnh nghệ thuật Trần Trung Tín đã hoàn thành. Thực tế, không chỉ có ý tượng mà cả hình tượng trong nghệ thuật của ông đã thực sự hiện hữu. Không phải ngẫu nhiên mà hiện tại, giới thức giả châu Âu-những người quen sống trong môi trường văn hoá Hậu Hiện đại-biết ông, đều tỏ ra yêu thích ông… 


Như đã nói, Trần Trung Tín vẽ theo cách ông quan niệm, cảm nhận, chứ không phải theo cái ông thấy. Và vẽ như một hành động giãi lòng, chứ không phải là hành động sáng tạo theo quan điểm truyền thống. Bởi vậy, cơ sở để cảm nhận và đánh giá nghệ thuật của ông, không phải là những đóng góp về hình thức, về kỹ thuật mà chính là cái đẹp trong bản thân hành động, trong những điều ông quan niệm, cảm nhận. Xem tranh Trần Trung Tín là đọc cái mã đời sống ần đằng sau và bên ngoài những điều được thể hiện. Kể cả những câu chuyện về cuộc đời Trần Trung Tín. Về cái quảng không gian, thời gian mà Trần Trung Tín đã sống qua… 










Nếu như cho đến ngày nay, vẫn có nhiều cách nhìn nhận khác nhau về Trần Trung Tín, thì căn bản, đó là do khác nhau trong quan niệm về nghệ thuật. Ai quá yêu tính bài bản, hàn lâm của hội hoạ truyền thống thì không thích được tranh Trần Trung Tín. Ai coi hội hoạ là tiếng thét tức thì của lòng người thì nhập cảm vào thế giới của hoạ sĩ dễ dàng…
--------------------------
Theo: Nguyên Hưng
____________________
Trong bối cảnh nghệ thuật Đông Nam Á, tác phẩm của Trần Trung Tín khác thường ở sức mạnh biểu hiện, cùng hình thức thuần khiêt. Đó là một minh chứng cho sự hiện diện mạnh mẽ của chủ nghĩa nhân văn trong truyền thống và văn hóa của khu vực. Bất chấp những khổ đau khủng khiếp đã xảy ra ở nhiều nước Đông Nam Á trong suốt thế kỷ 20, chủ nghĩa biểu hiện không phổ biến trong các nền nghệ thuật của các nước Đông nam Á, trừ một ngoại lệ là nghệ thuật Indonesia thời kỳ giửa thế kỷ 20, một phần vì nghệ thuật truyền thống, vẫn được các nước này coi là nơi nương náu thanh bình và hài hòa, để tranh né cái thế giới của những tranh đấu chính trị. Vì thế , việc bổ sung vào bộ sưu tập của bảo tàng càng quan trọng hơn bao giờ hết, những tác phẩm phản ảnh được chiều sâu cảm xúc và triết lý của cuộc sống, những thứ hiếm khi được bộc lộ rõ trong truyền thống nghệ thuật của khu vực Đông Nam Á.
Trong những hoàn cảnh tương tự của nghệ thuật Việt Nam, thật độc đáo khi Trần Trung Tín đã bỏ qua chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ngay tại Việt nam, vào thời điểm đó, để tìm ra một ngôn ngữ thị giác riêng, nói lên những chấn thương tâm lý của xứ sở mình. Phải hai mươi lăm năm sau, các nghệ sĩ trẻ Việt Nam mới lại có thể tiếp thụ những nguồn cảm xúc từ tác phẩm của ông. Bảo tàng nghệ thuật Singapore, thật may mắn đã bổ sung cho bộ sưu tập về nghệ thuật Đông Nam Á thêm 11 tác phẩm của ông, trở thành bảo tàng quốc gia đầu tiên có được một trong những nghệ sĩ Việt Nam hàng đầu trong bộ sưu tập của mình.
(Kwok Kian Chow, giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Singapore viết trong cuốn "Trần Trung Tin painting and poem from Vietnam" của tác giả Sherry Buchanan, xuất bản năm 2002)

3 nhận xét:

  1. Trần trung Tín là một họa sỹ tài ba, ông đã sống hết mình cho nghệ thuật

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết đã cho thấy Họa sỹ Trần Trung Tín quả là người rất đa tài và rất khiêm nhường

    Trả lờiXóa

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!